Mendeleev được biết đến là cha đẻ của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Những thành tựu của ông trong lĩnh vực khoa học có sự tiếp sức và hỗ trợ tinh thần không nhỏ từ người mẹ tuyệt vời Maria Dmitrievna Mendeleeva.
Người hùng của gia đình
Dmitri Ivanovich Mendeleev (1834 – 1907) sinh ra tại thành phố Tobolsk ở Siberia, Nga. Mendeleev là con út trong một gia đình đông con, số lượng chưa được xác định chính xác (nhiều tài liệu ghi 14, hoặc 17 người con). Cha của ông tên là Ivan Pavlovich Mendeleev (1783 – 1847) đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường Trung học Tobosk, đồng thời là giáo viên dạy môn chính trị, triết học và mỹ thuật. Mẹ của ông, bà Maria Dmitrievna Mendeleeva (1793 – 1850), xuất thân trong một gia đình thương gia nổi tiếng tại Tobolsk.
Trước khi kết hôn vào năm 16 tuổi, bà Maria có đam mê đọc sách và khám phá những kiến thức mới. Bà nổi tiếng là người thông minh, có học thức, tính tình cương nghị. Bà được thừa hưởng một thư viện lớn của cha để lại. Đáng tiếc xã hội thời kỳ đó không tạo điều kiện để một người phụ nữ theo đuổi sự nghiệp học hành. Sau khi lập gia đình và sinh con hết lần này đến lần khác, bà dồn hết tâm trí và sức lực của mình vào việc chăm sóc chồng con, một công việc không hề dễ dàng.
Mặc dù cha của Mendeleev là lao động chính trong nhà, kiếm tiền nuôi sống cả gia đình nhưng mẹ ông mới là người ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp đến việc giáo dục con cái. Một biến cố lớn xảy ra vào năm Mendeleev chào đời, cha của Mendeleev bị mù mắt do bệnh đục thủy tinh thể và phải nghỉ hưu sớm. Cuộc sống của gia đình họ trở nên cực kỳ khó khăn với những khoản tiền trợ cấp ít ỏi.
Mọi gánh nặng gia đình đè lên vai bà Maria. Với mong muốn các con được học hành tử tế, không phải bỏ học giữa chừng để kiếm sống, bà quyết định đưa cả gia đình đến Aremdianka, một ngôi làng nhỏ cách thành phố Tobolsk hơn 48 km. Tại đó, bà làm việc trong một xưởng sản xuất thủy tinh nhỏ của anh trai, ông Coocnhiliep. Bà thay anh quản lý xưởng, đồng thời khéo léo sắp xếp công việc thích hợp cho các con để chúng có thể vừa đi làm kiếm sống, vừa theo đuổi việc học tập. Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời, bà phải bán đi nhiều thứ nhưng sách luôn được gìn giữ cẩn thận. Nhờ các nỗ lực không ngừng, cuộc sống của gia đình cũng dần ổn định.
Trong ký ức về thời thơ ấu của Mendeleev, mẹ ông giống như một người hùng của gia đình. Dù bận rộn cả ngày lẫn đêm với công việc tại xưởng, nhưng bà chưa bao giờ thiếu thời gian để động viên và hỗ trợ các con học hành. Mẹ đã truyền cho ông tình yêu dành cho khoa học và công việc trong những năm tháng khó khăn này. Mẹ thường đưa ông đến xưởng làm việc và ông ngay lập tức bị cuốn vào quá trình nấu chảy thủy tinh. Nhận thấy con trai mình có năng khiếu về khoa học tự nhiên, bà quyết định sẽ nuôi dạy con trở thành một nhà khoa học. Bà thường nói đùa: “Con chắc chắn sẽ trở thành một thiên tài hóa học trong tương lai”.
Mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp thì cha của Mendeleev bị bệnh nặng và qua đời vào năm 1847 (khi đó Mendeleev 13 tuổi). Chỉ ba tháng sau, người chị của Mendeleev là Apolinalia cũng theo bố ra đi. Tháng 12/1848, xưởng thủy tinh bị một trận hỏa hoạn lớn phá huỷ, rồi phá sản. Những biến cố xấu và đau buồn liên tục xảy ra với gia đình Mendeleev. Một lần nữa, bà Maria lại đứng lên làm chỗ dựa cho cả gia đình.
Bà Maria đưa các con trở lại thành phố cũ rồi lần lượt thu xếp cuộc sống riêng cho chúng. Các anh chị của Mendeleev đi làm ăn nơi khác và lấy vợ, lấy chồng gần hết. Gia đình chỉ còn lại bà Maria và ba đứa con nhỏ, trong đó có Mendelee – đứa con bà Maria đặt rất nhiều kỳ vọng, bởi vì bà đã sớm nhận ra tố chất thiên tài của cậu bé.
Cùng con trai đi đăng ký vào trường đại học
Năm 1849, Mendeleev tốt nghiệp Trường Trung học Tobosk khi mới 15 tuổi [hoàn thành sớm hơn chương trình học học một năm]. Bà Maria quyết tâm giúp Mendeleev vào trường đại học. Bà muốn con trai mình học ở Moscow, nơi anh trai giàu có của bà tên là Vasiliy đang sinh sống. Mùa hè năm 1849, bà cùng Mendeleev thực hiện một hành trình dài hơn 1.500 km từ Siberia đến Moscow bằng xe ngựa. Tuy nhiên, Đại học Moscow đã từ chối đơn đăng ký của Mendeleev. Nguyên nhân là do học sinh tại Tobolsk thời kỳ đó chỉ được phép đăng ký vào trường đại học gần nhất về mặt địa lý, nằm ở thành phố Kazan. Bà Maria tiếp tục đi thêm 700 km đến Đại học St. Petersburg, nhưng trường đại học này cũng từ chối đơn đăng ký của Mendeleev vì lý do tương tự.
Nếu ở trong hoàn cảnh này, ngay cả người kiên trì nhất cũng sẽ cân nhắc bỏ cuộc, nhưng bà Maria thì khác. Sau nhiều nỗ lực cùng với sự giúp đỡ của người quen, giáo sư Chizhov, cuối cùng bà đã tìm thấy một ngôi trường chấp nhận Mendeleev. Đó là Viện Sư phạm Main tại St. Petersburg, nơi cha của Mendeleev từng tốt nghiệp trước đó. Năm 1850, Mendeleev làm bài kiểm tra nhập học với số điểm đủ cao để nhận được học bổng toàn phần và ở trong ký túc xá.
Điều đáng tiếc là bà Maria không thể đồng hành cùng con trong chặng đường dài tiếp theo. Đúng 10 ngày sau khi Mendeleev nhập học, bà qua đời. Mendeleev và các anh chị đều hiểu rằng, mẹ ra đi vì đã quá lao lực chăm sóc cho cả gia đình trong một thời gian dài. Trong bức thư cuối cùng gửi Mendeleev, bà viết: “Michia (tên trong gia đình của Mendeleev), mẹ ra đi mà trong lòng thanh thản vì tin rằng con sẽ trở thành một người có ích…Con hãy tích cực làm việc và tìm kiếm chân lý khoa học.”
Lời dặn dò của bà Maria đã có tác động rất lớn đến cuộc đời sau này của Mendeleev. Trong hoàn cảnh sống nghèo khổ, môi trường học tập nhiều áp lực, và sức khỏe không tốt, ông vẫn cố gắng theo đuổi đến cùng việc học tập và nghiên cứu.
Năm 1855, Mendeleev tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Năm 1859, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, sau đó đi công tác ở nước ngoài (Pháp, Đức,…). Năm 1861, ông trở về Nga và được bầu làm giáo sư Đại học Tổng hợp St. Petersburg. Tại đây, ông tham gia công tác giảng dạy khoa học trong vòng 35 năm. Thành tựu nổi bật nhất của ông là việc phát minh ra Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, hay Bảng tuần hoàn Mendeleev vào năm 1869, lúc đó ông 35 tuổi. Tên của ông được đặt cho một miệng núi lửa trên Mặt trăng và nguyên tố 101 trong bảng tuần hoàn.